► CHÀO MỪNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ BA NĂM 2024                  ► THƯ MỤC BÀI TRÍCH BÁO, TẠP CHÍ TUẦN 02 THÁNG 4 NĂM 2024                  ► TỪ NGÀY 01/01/2024, THƯ VIỆN TỈNH MỞ CỬA PHỤC VỤ TỪ THỨ HAI ĐẾN CHỦ NHẬT HÀNG TUẦN                 
Độc đáo tục gói bánh gai ngày Tết ở Minh Phượng
Vào dịp Tết cổ truyền, bên cạnh phong tục gói bánh chưng, người dân xã Minh Phượng (Tiên Lữ) còn gói bánh gai. Những chiếc bánh gai thơm ngọt là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người dân nơi đây. 
 
Nghề làm bánh gai ở Minh Phượng không biết có chính xác từ bao giờ. Nhưng theo lời kể của các cụ cao niên trong xã thì tục gói bánh gai đã có hàng trăm năm nay ở làng Điềm Xá, nay là thôn Điềm Đông và thôn Điềm Tây (xã Minh Phượng).
Những chiếc bánh gai ở xã Minh Phượng rất độc đáo vì to như chiếc bánh chưng
Những chiếc bánh gai ở xã Minh Phượng rất độc đáo vì to như chiếc bánh chưng
Ông Nguyễn Văn Núi, một cụ cao niên ở thôn Điềm Tây kể rằng: “Từ nhỏ tôi đã biết quê mình có truyền thống làm bánh gai. Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, người dân trong xã lại làm những chiếc bánh gai to như bánh chưng để dâng lên tổ tiên”.
 
Ngày xưa, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hộ gia đình nào ở Minh Phượng cũng gói bánh gai. Nhà gói ít thì chục chiếc, nhà nhiều phải lên đến 50 chiếc để vừa ăn Tết, vừa làm quà cho con cháu. Những ngày cận Tết, tất cả các thành viên trong gia đình, từ người già, người trẻ đều góp công, người chuẩn bị lá, người nhào bột, người làm nhân, người lo củi lửa… Và cứ thế, những chiếc bánh gai đã đi vào tiềm thức như một nét truyền thống không thể thiếu đối với người dân nơi đây.
 
Ông Đỗ Xuân Hạ ở thôn Điềm Đông cho biết: “Tết năm nào, gia đình tôi cũng gói vài chục chiếc bánh gai, vừa để thắp hương gia tiên, vừa làm quà cho con cháu xa gần. Mấy năm gần đây, gia đình tôi còn gói thêm bánh gấc để mong năm mới thêm may mắn”.
 
Ngày nay, do công việc quá nhiều bận rộn, nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ đã chọn đi mua bánh gai thay vì tự gói như trước đây. Vì thế, nhiều hộ có tay nghề trong xã “kiêm” luôn dịch vụ gói bánh gai thuê. Ngoài ý nghĩa lưu giữ nét ẩm thực truyền thống bao đời nay thì việc làm bánh gai đã trở thành một nghề giúp nhiều hộ dân nơi đây cải thiện cuộc sống.
 
Gần 20 năm nay, lò bánh của bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Điềm Tây là một trong những nơi cung cấp bánh gai lớn nhất xã Minh Phượng. Gia đình bà Lành gói bánh quanh năm nhưng cứ vào dịp Tết Nguyên đán lại phải thuê thêm 6 lao động để làm cho kịp đơn đặt hàng của khách. Mỗi vụ Tết, bà Lành làm khoảng 2.000 chiếc bánh gai phục vụ thị trường. Mỗi chiếc bánh gai có giá bán trung bình từ 25.000 – 40.000 đồng/chiếc. 
 
Nhà có 4 lao động, thuê thêm 6 người nhưng chỉ có mình bà Lành thực hiện công đoạn gói bánh. Các khâu nạo dừa, nấu đỗ, xay bột, chuẩn bị lá, hấp bánh… do các thành viên còn lại trong gia đình và người làm phụ trách. Bà Lành bảo: Để người khác làm bà không yên tâm vì bánh dễ vỡ vỏ, gói chặt hay lỏng tay bánh đều dễ bị bục góc, coi như hỏng. 
 
Bà Lành cho biết: “Gia đình tôi làm cả năm nhưng vào dịp Tết cổ truyền, ngày lễ, ngày hội, chúng tôi làm nhiều hơn. Dù làm số lượng lớn nhưng gia đình tôi luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chỉ từ đỗ xanh, đường mía, lá gai, dừa,… không có phụ gia thêm vào”.
 
Để làm những chiếc bánh gai thơm, ngon, bà Lành chia sẻ bí quyết: Phần lá bánh tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng và phải là lá chuối tiêu khô già tự nhiên. Tuyệt đối không lấy lá chuối tươi đem phơi nắng hoặc hong khô để gói. Bánh phải được gói nhiều lượt lá để vừa định hình chiếc bánh vừa giữ cho bánh khô ráo, giữ hương vị được lâu hơn.
 
Hiện nay, bánh gai Minh Phượng không chỉ dừng lại ở phục vụ nhu cầu của bà con địa phương mà còn vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều khách ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… từng một lần được thưởng thức món bánh gai Minh Phượng đều tìm về đặt bánh để ăn Tết và làm quà biếu. 
 
Ông Vũ Văn Tiến, cán bộ văn hóa xã Minh Phượng cho biết: Toàn xã Minh Phượng cón trên 1.100 hộ gia đình thì hầu như nhà nào cũng ăn bánh gai ngày Tết. Nhà nào quá bận rộn thì nhờ ông bà, bố mẹ hay anh chị em gói giúp, hoặc đi đặt bánh tại các cơ sở trong xã. Cả xã có khoảng 5 hộ chuyên sản xuất bánh gai để bán. Ngày nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Ai đã một lần có dịp thưởng thức bánh gai Minh Phượng thì không thể quên được hương vị thơm ngon, đặc biệt của món ăn đậm chất dân dã này. Những ngày Tết cổ truyền, chiếc bánh gai là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình ở Minh Phượng. Đây cũng là món quà bình dị nhưng ấm tình quê mà người dân nơi đây trao gửi cho nhau nhân dịp Tết đến, xuân về.
 
Dương Miền
In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Đồng chí Tô Hiệu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam (04/03/2024)
- Nguyễn Thiện Kế (1849 - 1937) (15/06/2022)
- Nhạc sĩ Mai Văn Chung (1914 - 1984) (15/06/2022)
- Đồng chí Lê Văn Lương với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (21/03/2022)
- Tô Hiệu (1912 - 1944) (05/03/2022)
- Hoàng Hoa Thám, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên(08/01/2018)
- Chuyện thú vị về cậu bé 10 tuổi "mê" sử ở Hưng Yên(05/01/2018)
- Phố Hiến, thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài(05/10/2017)
- Hưng Yên sau khi thành lập tỉnh (1831)(31/05/2017)
- Hưng Yên trước khi thành lập tỉnh (1831 về trước)(31/05/2017)
THÔNG BÁO
Thông báo các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024  
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Thông báo lịch phục vụ bạn đọc năm 2024
Cấp thẻ miễn lệ phí trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023
NỘI QUY THƯ VIỆN
Nội quy thư viện
Quy định mượn - đọc sách
Hành vi vi phạm và mức phạt
DANH MỤC
Cấp thẻ thư viện
Lịch phục vụ bạn đọc
LƯỢT TRUY CẬP
Đang online: 66
Hôm nay 110
Tháng này: 280,052
Tất cả: 2,926,765

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN TỈNH HƯNG YÊN
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên
Cơ quan quản lý trực tiếp: Thư viện tỉnh Hưng Yên
Địa chỉ: số 4, đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Giấy phép số: 24/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 26  tháng 3  năm 2018
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đào Văn Quyến, Giám đốc Thư viện tỉnh
Hòm thư điện tử: thuvientinh@hungyen.gov.vn.  Điện thoại: 0221 3 869 388